Nguyễn Duy Nguyên

NGUYỄN DUY NGUYÊN

Giám đốc sáng lập


Nguyễn Duy Nguyên

THỜI NIÊN THIẾU KHÓ KHĂN

Sinh ngày 12 tháng 6 năm 1962 tại Thủ Đức trong một gia đình Công giáo gốc Hải Dương vào Nam định cư năm 1954. Nhà có bảy anh chị em, Nguyên là con trai thứ ba. Thưở nhỏ gia đình có dọn về Bà Rịa sống một thời gian. 30 tháng 4 năm 1975 đất nước tái thống nhất, gia đình Nguyên từ Bà Rịa trở về Sài Gòn kiếm sống trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bố Nguyên phải đi học tập cải tạo sau chiến tranh; Mẹ Nguyên và các anh chị em ngày thay phiên nhau bán xôi tại chợ Bà Chiểu, tối trở về một căn nhà nhỏ 36 m2 trên đường Vạn Kiếp quận Bình Thạnh. Mặc dù điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, Bà Liên mẹ Nguyên quyết không cho phép bất cứ đứa con nào của Bà bỏ học. Bà dạy các con rằng chỉ có con đường học vấn mới giúp cho cuộc sống khá lên được. Riêng Nguyên tâm nguyện rằng phải cố gắng học tập thật tốt để sau này làm được điều gì đó có ích cho đời.

Năm 1980, Nguyên tốt nghiệp Trung học phổ thông với thứ hạng Thủ khoa toàn thành. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc ấy là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đã cử người đến thăm hỏi chúc mừng và hỏi Nguyên có muốn Nhà nước tạo điều kiện để đi du học Liên Xô hay không? Nguyên đã cảm ơn lời đề nghị của Bác Bí thư nhưng cũng nhẹ nhàng từ chối và chỉ xin cho Bố Nguyên được trở về đoàn tụ với gia đình. Hai tháng sau cả nhà đã vui mừng đón Bố Nguyên trở về còn Nguyên thì tiếp tục bước chân vào khoa Điện trường Đại học Bách Khoa. Năm 1984, Nguyên tốt nghiệp chuyên ngành Thiết bị điện với văn bằng loại giỏi và vẫn tiếp tục cùng gia đình bán xôi mỗi sáng cho đến năm 1987 mới thôi.

RA TRƯỜNG VÀ KHỞI NGHIỆP

Năm 1984 sau khi ra trường, Nguyên được phân công về công tác tại Công ty Chiếu Sáng thuộc Sở Công Trình Đô Thị Thành Phố. Trong 6 năm làm việc tại đây, Nguyên đã được đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn Công ty và giữ chức Quyền Trưởng phòng Kỹ thuật phụ trách hệ thống chiếu sáng của thành phố. Trong một lần đi công tác tại Chợ Lớn, Nguyên có dịp ghé thăm một cơ sở xi mạ của người Hoa. Thấy người ta nhúng một đồ vật bằng kim loại vào trong một thùng hóa chất, ít phút sau khi lấy ra thì cái vật đó đã trở nên sáng bóng rất đẹp. Lúc đó Nguyên hết sức thích thú và tự hỏi: chắc chắn phải có một điều gì đó thật kỳ diệu trong thùng hóa chất này mà đã làm cho thanh kim loại từ xỉn màu trở nên sáng đẹp rực rỡ như vậy. Nguyên không ngờ rằng chính sự quan sát tình cờ đó đã mãi mãi thay đổi cuộc đời Nguyên sau này.

Cảm thấy rằng công việc tại Công ty Chiếu Sáng ngày càng tẻ nhạt và không học hỏi được gì thêm, Nguyên quyết định thay đổi chỗ làm việc. Giữa năm 1990, Nguyên xin chuyển công tác sang Sở Điện Lực Thành Phố. Tuy nhiên cũng không mất quá lâu để Nguyên nhận ra rằng môi trường làm việc ở đây cũng không hơn gì chỗ cũ. Công việc thì ít và tiền lương thì không đủ sống, Nguyên cảm thấy những khoản thời gian rảnh rỗi mà mình bỏ ra ở đây là không đáng với sở thích đam mê tìm tòi nghiên cứu của một người kỹ thuật. Tuổi trẻ và sức khỏe rồi sẽ nhanh chóng qua đi mà mình thì vẫn chưa đóng góp được gì đáng kể cho gia đình và xã hội. Một yếu tố khác cũng tác động đến suy nghĩ của Nguyên đó là chính sách mở cửa của Nhà Nước từ năm 1986 để chuẩn bị cho Việt Nam bước sang cơ chế kinh tế thị trường. Việt Nam giờ đây không còn là nền kinh tế quốc doanh một thành phần như thời bao cấp nữa. Chính cơ chế đa thành phần của nền kinh tế thị trường đã cho phép những công ty tư nhân có cơ hội để phát triển. Với ý nghĩ đó, Nguyên quyết định thay đổi cuộc đời một lần nữa. Lần này là cho mãi mãi! Từ bỏ cuộc sống nhàn hạ ổn định của một viên chức nhà nước, đầu năm 1991 Nguyên quyết định chấp nhận đương đầu với những rủi ro sóng gió của thương trường để tạo lập một sự nghiệp cho riêng mình. Câu hỏi còn lại bây giờ là: nên làm gì đây?

Hạn chế duy nhất của Nguyên lúc bấy giờ là vốn ít vì nhà Nguyên còn nghèo lắm. Với Nguyên công việc cho dù là kiếm bạc cắc cũng được nhưng phải là những đồng tiền chân chính do chính mồ hôi công sức của mình tạo ra. Việc đó phải là một việc làm cần thiết cho xã hội nhưng chưa có ai làm. Vào giai đoạn đó Việt Nam bắt đầu nhập về những chiếc xe gắn máy nghĩa địa mà việc tân trang lại là điều không thể tránh khỏi. Có vài chi tiết cần tân trang như mặt nạ trước hay chụp đèn xi nhan bằng nhựa mạ chrome đã cũ kỹ và trầy xước. Ấn tượng về lần thăm cơ sở xi mạ ở Chợ Lớn ngày nào bỗng tái hiện. Lúc còn đi học Nguyên có được dạy về phương pháp xi mạ điện phân nhưng vật thể phải bằng kim loại để dẫn điện, còn các chi tiết bằng nhựa thì xi thế nào đây? Tại sao người ta không làm những chi tiết đó bằng kim loại mà lại làm bằng nhựa. Câu trả lời là bởi vì nhựa có khối lượng nhẹ, rẻ tiền, và dễ gia công hơn kim loại. Chỉ cần tạo một cái khuôn đẹp là có thể ép ra vô vàn sản phẩm muôn hình muôn vẻ. Như vậy vấn đề chỉ là làm sao để xi mạ cho nó. Công việc tuy khó đấy nhưng nếu mình làm được mà không ai làm được thì mới quý. Chính ý tưởng đó đã khiến Nguyên quyết định theo đuổi ngành xi mạ và phần còn lại đã trở thành lịch sử. Xem Lịch sử Công ty Thiện Mỹ.

CHÂN DUNG NGƯỜI THUYỀN TRƯỞNG

Trong suốt quá trình gầy dựng và phát triển Công ty Thiện Mỹ, Nguyên luôn là người lãnh đạo gương mẫu, nhà chiến lược khôn ngoan, người thầy kiên nhẫn và người phục vụ khiêm nhường của cả công ty. Là một người lãnh đạo, Nguyên luôn có mặt trong những lúc khó khăn nhất để tháo gỡ những vấn đề kỹ thuật hóc búa, những khúc mắc trong quản lý, và truyền nhiệt huyết để anh em có hưng phấn làm việc. Phong cách lãnh đạo của Nguyên có thể được tóm tắt trong 10 Triết lý kinh doanh và luôn lấy lợi ích của đôi bên làm nền tảng: “khi muốn người khác làm gì cho anh thì anh cũng phải làm cho người ta như vậy”. Chính vì vậy, tất cả mọi chính sách đối nội – đối ngoại của Nguyên đều dựa trên “Quy tắc vàng” này để quyết định nên làm gì cho khách hàng, nhân viên, nhà cung ứng và cộng đồng xã hội. Trong vai trò là một nhà chiến lược, Nguyên luôn nắm bắt được hoàn cảnh của xã hội và biết công ty phải làm gì để đáp ứng những nhu cầu đó. Có nhiều quyết định kinh doanh của Nguyên mà lúc đầu đa số đều phản đối nhưng phải mất nhiều năm sau mọi người mới thấy được sự hợp lý của nó. Là một người thầy, Nguyên không bao giờ ngần ngại chia sẻ những gì mình biết cho nhân viên của mình mặc dù biết rằng có nhiều khả năng họ sẽ tìm cách chống lại mình. Nguyên tin rằng không ai là hoàn thiện và cho dù có hai ba người bỏ đi thì số còn lại vẫn ở lại với mình. Nguyên cũng hiếm khi nào quở trách nhân viên mà chỉ sửa dạy họ bởi vì nếu không trải qua sai lầm thất bại thì nhân viên sẽ chẳng học được điều gì mới. Và trong vai trò là “Người làm công số 1” của Công ty Thiện Mỹ, Nguyên đang phục vụ lợi ích của gần 200 con người và gia đình họ thông qua những chính sách quản lý để đảm bảo tất cả có một môi trường làm việc an toàn, một nguồn thu nhập ổn định và tạo ra những giá trị cho cuộc sống. Nhiều người gắn bó với công ty lâu năm nay đã có được nhà cửa khang trang và con cái họ được đi học tới nơi tới chốn. Đối với Nguyên đó là hành động cụ thể nhất để tạo ra một sự thay đổi tích cực trong cộng đồng. Tất cả những nhân tố trên đã làm nên cái mà nhiều người gọi là “Linh hồn của Công ty Thiện Mỹ“.

GIA ĐÌNH VÀ CUỘC SỐNG

Ngoài công ty, Nguyên cũng là người cha gương mẫu của ba đứa con: hai con lớn của Nguyên đã và đang sắp sửa tốt nghiệp đại học ở Mỹ và Canada, người con út thì sắp sửa vào cấp 3. Nếu tài sản quý giá nhất mà Nguyên thừa hưởng được từ cha mẹ mình là sự cần cù chịu khó và tinh thần ham thích học hỏi thì Nguyên cũng truyền lại nó cho các con của mình. Mặc dù điều kiện lĩnh hội kiến thức của các con Nguyên không còn khó khăn như Nguyên khi xưa nhưng Nguyên vẫn dạy các con phải phấn đấu trở thành người giỏi nhất trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Người con trai lớn của Nguyên đã tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành Quản trị Kinh doanh từ trường Đại học Virginia Tech với số điểm gần tuyệt đối còn cô con gái thứ hai thì sắp sửa tốt nghiệp chuyên ngành kép Tiếp thị và Quản lý Chuỗi cung ứng của trường Đại học British Columbia. Ngoài ra các con Nguyên còn phát huy thế mạnh trên những môn phát triển nhân cách như âm nhạc cổ điển, hội họa, nhiếp ảnh, triết học, tôn giáo, v.v. Đây là những môn mà lúc còn đi học, có mơ Nguyên cũng không dám nghĩ tới vì điều kiện kinh tế lúc đó còn quá khó khăn. Vợ Nguyên cũng là một người phụ nữ hiền hậu, đảm đang và quán xuyến tất cả mọi việc trong nhà để Nguyên có thể toàn tâm toàn lực phát triển công ty.

IMG_6624Ngoài giờ làm việc, Nguyên thích giải trí bằng việc trồng cây, đọc sách, và nghiền ngẫm về tôn giáo. Một trong những đam mê của Nguyên là tìm hiểu và thực hành những giá trị tiềm ẩn của văn hóa phương Đông như đời sống gắn bó gia đình, hít thở vận động ăn uống một cách điều độ, và phát huy sức mạnh của tinh thần dân tộc. Nguyên tin rằng cho dù sống ở đâu thì cũng phải làm việc hết mình và không đâu là không thể sống được cả, điều quan trọng là mình có biết tận dụng những cơ hội mà nơi đó mang lại hay không. Nguyên thích nhất câu nói sau trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai Ostrovsky mà Nguyên được học năm lớp 12: “Đời người chỉ sống một lần. Sống sao cho khỏi xót xa ân hận. Để khi nhắm mắt xuôi tay ta không phải hổ thẹn vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí.” Con người ta sinh ra trên đời không phải chỉ làm việc quần quật như một con vật để rồi chết đi một cách vô nghĩa mà còn có thể tận hưởng những niềm vui, hạnh phúc mà cuộc sống mang lại. Vì thế nếu chỉ hùng hục lao vào kiếm tiền mà quên đi mục tiêu sau cùng của cuộc sống là mưu cầu hạnh phúc thì người ta sẽ dễ dàng lãng phí cuộc sống này. Phải sống cho ra sống và sống một cách tràn đầy, sung mãn.

Sau đây là một bài báo mà phóng viên Tố Oanh của Báo Tuổi Trẻ đã viết về Nguyên nhân dịp Kỷ niệm sinh nhật 30 năm của tờ báo vào năm 2005. Bài báo có tựa đề Vẫn quần xanh, áo trắng học trò để thể hiện phong cách giản dị, gần gũi khi làm việc của Nguyên cho dù đã là giám đốc của Công ty TNHH Công Nghiệp Thiện Mỹ. Đây là một trong số rất nhiều bài báo khác viết về Nguyên từ sau khi Nguyên tốt nghiệp thủ khoa năm 1980.

 

 

.