Timeline of Events

Who are we?
Discover our story of success!

  •  

    Timeline of Events

  • XÁC ĐỊNH TẦM NHÌN VÀ HƯỚNG ĐI

    Tóm tắt thời kỳĐây là giai đoạn người sáng lập công ty, Giám đốc Nguyễn Duy Nguyên, đang dò dẫm tìm hướng đi cho mình trong thị trường xi mạ miền Nam. Giai đoạn này được đánh dấu bằng việc Nguyên chính thức tách khỏi các công ty quốc doanh và bắt đầu làm việc trong khối tư nhân. Điểm sáng của giai đoạn này là việc Nguyên học được các kiến thức và kỹ năng xi mạ trên nhựa cùng với tư duy quản lý chất lượng của người Nhật. Đối tượng khách hàng của thời kỳ này chủ yếu là các nhà cung cấp phụ tùng xe máy ở Chợ Lớn với chất lượng ở mức trung bình khá. Số vốn tích lũy sau 8 năm làm việc đã tạo điều kiện để Nguyên thành lập Cơ sở Xi Mạ Thiện Mỹ vào năm 1999 do riêng mình làm chủ.

    —————   ***–   —————

    Công ty TNHH Công Nghiệp Thiện Mỹ “khai sinh” không chính thức trên một lối đi chật hẹp 16 m2 nằm giữa một nhà kho và bức tường bao của Trung Tâm Dạy Nghề Quận 6. Đây là nơi người sáng lập công ty, Giám đốc Nguyễn Duy Nguyên, đã thử nghiệm và chạy thử những sản phẩm mạ nhựa đầu tiên của mình. Số vốn 10 triệu đồng ban đầu chỉ đủ mua 40 lít dung dịch nickel, 10 lít dung dịch chrome và một ít hóa chất khác. Hầu hết trang thiết bị cho ngành mạ đều phải tự chế hoặc sử dụng những công cụ rẻ tiền như thùng nhựa loại 20 lít để chứa hóa chất, một số thau nhựa để tẩy rửa và chỉnh lưu tự quấn bằng tay để cấp điện một chiều cho quá trình mạ. Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa loại xuất sắc chuyên ngành Thiết bị điện nhưng Nguyên lại không được đào tạo chính quy về xi mạ. Tất cả những kiến thức Nguyên có về mạ là nhờ mua sách về tự tìm tòi, học hỏi.

    Vào đầu những năm 1990, thị trường Việt Nam nhập về khá nhiều những chiếc xe máy nghĩa địa với các chi tiết cần được tân trang. Chính những phụ tùng tân trang như mặt nạ trước của xe và chụp đèn xi nhan bằng nhựa xi là nguồn thu nhập đầu tiên của Nguyên và gia đình. Sau khi hoàn tất công đoạn mạ, Nguyên đem hàng đi giao ở chợ Tân Thành trong khu vực Chợ Lớn. Mặc dù phương tiện còn hết sức thô sơ lạc hậu và toàn bộ quy trình phải làm bằng tay, chất lượng xi mạ của Nguyên đã khá tốt và bước đầu được thị trường chấp nhận. Nước xi của Nguyên gần giống hàng thật đến nỗi nhiều khách hàng ở Chợ Lớn đã gọi nó là “hàng giả gin”. Công việc và số khách hàng cứ tăng trưởng đều đặn cho đến năm 1994 thì Nguyên dời về mở xưởng ở ngay sau nhà mình gần Hàng Xanh, quận Bình Thạnh.

    Mặc dù hơn 10 năm sau Công ty Thiện Mỹ mới chính thức được thành lập nhưng ngay từ những ngày đầu tiên, Nguyên đã ý thức rất rõ về sự cần thiết của việc cải tiến và nâng cao chất lượng. Nguyên viết câu khẩu hiệu “Cải tiến, cải tiến, không ngừng cải tiến” bằng sơn lên tường để nhắc nhở mình không bao giờ được tự thỏa mãn với chính mình. Đó cũng chính là một trong 10 triết lý nền tảng của công ty hiện nay. Triết lý này còn được thể hiện ở quan điểm tự động hóa quy trình sản xuất trong tất cả mọi khâu có thể. Năm 1994, Nguyên có ý định xây dựng một hệ thống xi mạ tự động để gia tăng năng suất. Việc tự động hóa không những giúp nâng cao hiệu quả công việc mà còn tăng mức độ ổn định của chất lượng. Tuy nhiên phải mất 5 năm sau ý tưởng này mới trở thành hiện thực do Nguyên còn chưa đủ các kiến thức và tài lực cần thiết.

    Năm 1996, có người mời Nguyên về làm kỹ thuật cho một công ty xi mạ tầm cỡ ở miền Nam. Tuy nhiên sau khi trao đổi với vị giám đốc, Nguyên nhận ra rằng quan điểm của ông ta chủ yếu dựa trên lao động thủ công vốn không phù hợp với quan điểm của Nguyên về sự tự động hóa nên Nguyên đã từ chối lời đề nghị này. Cũng trong năm đó, Nguyên góp vốn thành lập một liên doanh xi mạ ở quận Tân Bình đồng thời giữ chức quản đốc. Đây là thử nghiệm đầu tiên của Nguyên với việc xi mạ trên một hệ thống tự động cho dù đó chỉ là một dây chuyền second hand nhập về từ Nhật Bản. Chính quãng thời gian làm việc tại đây đã trang bị cho Nguyên nhiều kiến thức quý báu để Nguyên tự thiết kế một hệ thống tự động của riêng mình sau này. Rất tiếc chỉ sau 2 năm, liên doanh phải tuyên bố giải thể do nhiều mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ. Thất bại này càng làm sắt đá hơn quyết tâm của Nguyên phải tạo lập một doanh nghiệp do riêng mình làm chủ.

    Một sự kiện quan trọng khác đã góp phần định hình con đường phát triển của công ty Thiện Mỹ chính là chuyến đi Nhật của Nguyên vào mùa xuân 1997. Đáp lại lời mời của một người Nhật cùng làm việc trong lĩnh vực xi mạ, Nguyên đã thực hiện một chuyến nghiên cứu thực tế tại thành phố Osaka – Nhật Bản và viếng thăm một số công ty xi mạ của Nhật. Chuyến đi này đã không những mở rộng tầm mắt mà còn làm thay đổi tư duy của Nguyên về chất lượng xi mạ. Trước đây Nguyên nghĩ rằng một hệ thống tự động, giấc mơ mà Nguyên vẫn còn đang theo đuổi, sẽ bảo đảm chất lượng xi mạ tuyệt đối do loại bỏ được yếu tố con người. Thế nhưng sau khi tận mắt chứng kiến người Nhật có thể biết chính xác thông số của từng công đoạn mạ và hiệu chỉnh kịp thời để thỏa mãn những điều kiện kiểm tra ngặt nghèo nhất, Nguyên mới nhận ra rằng chỉ dàn máy tốt thôi thì chưa đủ mà còn phải có hệ thống quản lý chất lượng tốt. Chính quan sát này đã đưa Nguyên đến việc thành lập một phòng thí nghiệm với các trang thiết bị đo lường kiểm tra mắc tiền điều mà phần lớn các công ty đương thời thường bỏ qua. Đó là những viên đá đầu tiên đặt nền tảng cho sự hình thành của ngôi nhà Thiện Mỹ sau này.

    Thời kỳ qua ảnh
    Portrait
    Những chuyện chưa kể về Công ty Thiện Mỹ thông qua tiểu sử của Giám đốc sáng lập Nguyễn Duy Nguyên

    .

  • KHỞI NGHIỆP KINH DOANH

    Tóm tắt thời kỳSau 8 năm làm việc kiên trì, Nguyên đã hội đủ kinh nghiệm và vốn liếng để một mình đứng tên thành lập Cơ sở Xi Mạ Thiện Mỹ – tiền thân của Công ty TNHH Công Nghiệp Thiện Mỹ. Đây là một giai đoạn chứng kiến nhiều khởi sắc của thị trường xe máy nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Cơ sở Thiện Mỹ cũng lớn lên cùng với xu hướng phát triển chung của cả quốc gia. Danh sách khách hàng thời kỳ này đã bắt đầu xuất hiện một số tên tuổi lớn của Nhật như Yamaha, Honda, Mabuchi và sản phẩm tiêu biểu cho thời kỳ này chính là những ống pô mạ nickel chrome cho các dòng xe của hãng Yamaha. Tuy điều kiện cơ sở vật chất còn hết sức hạn chế, giai đoạn này là bước chuẩn bị để công ty hội đủ kiến thức và tài lực trước khi tiến lên cấp độ khu công nghiệp.

    —————   ***–   —————

    Giữa năm 1999, Nguyên thuê một khu đất rộng 1,000 m2 của Công ty Thiết Bị Giáo Dục 2 nằm cuối đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh để thành lập Cơ sở Xi Mạ Thiện Mỹ. Mặc dù cơ sở vật chất vẫn còn khá thiếu thốn so với các công ty xi mạ nổi danh đương thời, nhà xưởng 250 m2 ở đường Nơ Trang Long có thể được xem là một thành tựu so với “con hẻm xi mạ” 16 m2 đầu tiên ở Chợ Lớn. Nhà xưởng phải lợp bằng tôn phế liệu và thép chữ V; con đường bê tông dẫn vào xưởng có chỗ láng chỗ không; mùa nắng thì bụi bặm mùa mưa thì ngập lụt. Tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất giữa xưởng Nơ Trang Long và hai cơ sở xi mạ trước là nhà xưởng giờ đây đã có một hệ thống xi mạ tự động do chính Nguyên thiết kế và hệ thống quản lý chất lượng thì được hỗ trợ bởi phòng thí nghiệm thành lập trước đó ít lâu. Hệ thống sơ khai này còn phải sử dụng khá nhiều rờ le điện để vận hành chứ chưa được lập trình PLC tự động như hiện giờ.

    Giai đoạn này đã chứng kiến nhiều biến động mãnh liệt của thị trường xe máy Việt Nam mà tiêu biểu là sự thôn tính của những dòng xe Trung Quốc như Hongda, Loncin, Lifan và sự tranh giành thị phần khốc liệt với các hãng xe Nhật Bản như Honda, Yamaha. Xe Trung Quốc giá rẻ nhưng chất lượng không cao còn xe Nhật chất lượng cao nhưng còn khá mắc so với hầu bao của người Việt đương thời. Trước tình hình đó, Thiện Mỹ buộc phải lựa chọn một trong hai con đường để phát triển: một là xi hàng thị trường chất lượng trung bình thấp để tăng nhanh doanh số, hai là chấp nhận chịu lỗ bước đầu để làm hàng chất lượng cao cho các hãng xe khó tính của Nhật. Thiện Mỹ đã quyết tâm theo đuổi con đường thứ hai. Nhờ có hệ thống quản lý chất lượng đã được thiết lập, chất lượng xi mạ của Thiện Mỹ bước đầu được Yamaha chấp nhận. Tuy nhiên khi đi vào sản xuất hàng loạt, tất cả mọi khó khăn mới thật sự lộ ra. Tỷ lệ hàng lỗi ban đầu có khi lên đến 85% khiến cho chi phí sản xuất nhanh chóng lũy tiến. Tuy nhiên với quyết tâm làm vừa lòng khách hàng và trung thành với phương châm “Nỗ lực vươn tới hoàn thiện”, sau vài tháng tỷ lệ hàng lỗi đã được kéo xuống dưới 10% nhờ việc cải tiến quy trình. Chính thành công quan trọng này đã giúp Thiện Mỹ trở thành một trong những đối tác đáng tin cậy của Yamaha Motor Vietnam và bước đầu thâm nhập được vào phân khúc hàng công ty cao cấp.

    Trong thời gian đó, Cơ sở Xi Mạ Thiện Mỹ liên tục lớn mạnh với số lượng khách hàng ngày càng mở rộng. Một số khách hàng quan trọng thời kỳ này ngoài Yamaha có thể kể đến như là Honda và Mabuchi. Khu đất thuê ban đầu với diện tích 1,000 m2 chẳng mấy chốc không còn chỗ trống và số lượng nhân công đã có lúc lên tới con số 200 người. Đầu năm 2002 cùng với sự phát triển của nhà máy, Cơ sở Xi Mạ Thiện Mỹ đã được nâng cấp lên thành Công ty TNHH Công Nghiệp Thiện Mỹ với trụ sở đặt tại số 98/17 Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh và hoạt động cho tới nay. Logo chính thức của công ty được thiết kế lại với hai chữ viết tắt “TM” nằm ngay chính giữa và hai dấu mũi tên xoay vòng biểu tượng cho triết lý “không ngừng cải tiến” của công ty. Màu đỏ tượng trưng cho quyết tâm đi tìm chiến thắng còn màu trắng tượng trưng cho sự trung thực và kinh doanh bằng con đường chân chính.

    Sang năm 2004, một sự kiện khác đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời và bộ mặt của Công ty Thiện Mỹ. Thành phố vừa ra quyết định di dời tất cả những ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành và xi mạ là một trong số đó. Đứng trước lệnh di dời, nhiều công ty đã tỏ ra hoang mang và tìm cách trốn tránh, trì hoãn. Tuy nhiên không như những công ty còn lại, Thiện Mỹ xem đây là một cơ hội để tiến xa hơn nữa. Việc di dời vào khu công nghiệp sẽ khiến các công ty nước ngoài mạnh dạn đặt hàng với công ty hơn, giảm thiểu các chi phí về xử lý nước thải và dọn đường để công ty phát triển mạnh mẽ trong 10 đến 50 năm tới. Mặc dù biết rằng sẽ không tránh khỏi những rủi ro của việc di dời như mất khách hàng, đội ngũ nhân sự rối loạn, Công ty Thiện Mỹ vẫn quyết tâm từ bỏ xưởng Nơ Trang Long tạm bợ chắp vá để xây dựng một nhà máy mới khang trang hoàn chỉnh hơn. Điểm đến mà công ty lựa chọn là Khu công nghiệp Hố Nai thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

    Thời kỳ qua ảnh
    Portrait
    Những chuyện chưa kể về Công ty Thiện Mỹ thông qua tiểu sử của Giám đốc sáng lập Nguyễn Duy Nguyên
  • VƯƠN LÊN TẦM CAO MỚI

    Tóm tắt thời kỳĐầu năm 2005, Xưởng Xi Mạ Thiện Mỹ Đồng Nai (TMĐN) ở Khu công nghiệp Hố Nai chính thức đi vào hoạt động và mở ra một trang sử mới cho công ty. Giai đoạn này đánh dấu sự trưởng thành và hoàn thiện của Thiện Mỹ trên cả phương diện cơ sở vật chất lẫn hệ thống quản lý. Tất cả mọi quy cách tổ chức nhà máy và giao dịch với khách hàng đang dần diễn ra theo đúng tiêu chuẩn công nghiệp điển hình là việc nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng lên tiêu chuẩn ISO 9000, thành lập các phòng ban chức năng, ứng dụng và tiếp thu công nghệ mới như mạ kẽm kiềm không cyanure trên hệ thống treo và quay tự động. Tương tự như hai giai đoạn trước, giai đoạn này là bàn đạp không thể thiếu để Công ty Thiện Mỹ mở rộng thị trường ra khắp Việt Nam.

    —————   ***–   —————

    Sau khi được cấp giấy phép hoạt động trong khu công nghiệp và huy động đủ lượng vốn từ ngân hàng, nhà máy TMĐN nhanh chóng được xúc tiến xây dựng trong năm 2004 và hoàn tất đầu năm 2005. Nhà máy mới có tổng diện tích 5,000 m2 tọa lạc trên một khu đất rộng 7,000 m2 của Khu công nghiệp Hố Nai gồm 3 khối nhà: 2 khối nhà xưởng và 1 khối nhà trung tâm dùng làm văn phòng, nhà ăn, phòng thí nghiệm và các nhu cầu khác. Như một cái cây bị bứng lên đem trồng ở nơi khác, TMĐN cũng không tránh khỏi những khó khăn bước đầu. Rất nhiều nhân sự chủ chốt trong cơ sở Nơ Trang Long trước đây đã ra đi do không thể thích ứng với việc đi lại xa xôi mỗi ngày. Rồi những nhân viên mới cần phải được huấn luyện để quen dần với công việc. Tuy nhiên TMĐN vẫn được hưởng nhiều lợi thế khác mà nếu như ở lại xưởng Nơ Trang Long sẽ không có được như nằm gần các công ty khách hàng có nhu cầu về xi mạ khiến cho việc giao hàng được thuận tiện hơn; công nhân trong khu công nghiệp có tay nghề cao và dễ quản lý hơn ở ngoài; và việc xử lý nước thải được thực hiện một cách nghiêm ngặt để tuyệt đối không gây ô nhiễm môi trường.

    Năm 2005, công ty bắt đầu triển khai một công nghệ xi mạ mới đó là mạ kẽm kiềm không chứa cyanure. Mặc dù công nghệ mạ kẽm kiềm cyanure đã có từ khá lâu nhưng do tính độc hại và không thân thiện với môi trường của nó mà chúng tôi cố gắng không sử dụng loại công nghệ này. Được biết một công ty bán hóa chất của Nhật vừa có quy trình mạ kẽm kiềm không cyanure, Thiện Mỹ ngay lập tức đón nhận. Đối với các công ty xi mạ đương thời, đây là một công nghệ mới và rất khó kiểm soát cho nên nhiều công ty đã không dám mạnh dạn đi vào. Thiện Mỹ cũng gặp vô số khó khăn khi bước đầu ứng dụng công nghệ này. Có quá nhiều vấn đề mà ngay cả những đầu óc kỹ thuật kỳ cựu nhất của công ty lúc bấy giờ cũng chưa từng trải qua như làm sao để phân biệt tạp hữu cơ và tạp vô cơ và tìm cách giải quyết hiệu quả nhất. Như một bóng ma đeo bám dai dẳng, phải mất gần 4 năm đội ngũ kỹ thuật của Thiện Mỹ mới hoàn toàn am hiểu và kiểm soát được những phản ứng thất thường của nó. Như vậy ngoài mạ kẽm kiềm không chứa cyanure và nickel chrome trên nền sắt thép thì đến cuối giai đoạn này, công ty còn bổ sung thêm hai mảng mạ nữa vào danh sách công nghệ của mình đó là mạ nickel hóa học và mạ nickel trên nền kẽm đúc.

    Song song với việc giữ vững hệ thống quản lý chất lượng, công ty cũng bắt đầu hình thành hệ thống quản lý hành chánh chuyên nghiệp với các chức năng như nhân sự tổ chức, tài chánh kế toán, cung ứng vật tư, v.v. Đây là những chức năng mà trước đây khi ở Nơ Trang Long công ty còn thực hiện rất sơ sài do còn phải giải quyết quá nhiều vấn đề kỹ thuật phát sinh và những phức tạp của một tổ chức còn non trẻ. Nhờ làm việc với các khách hàng là những công ty lớn của Nhật và Đài Loan, Thiện Mỹ đã có cơ hội được học hỏi những kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp của các nước tiên tiến. Các mẫu biểu và tiến trình công việc dần dần được chuẩn hóa cho phù hợp với việc giao dịch khách hàng và nâng cao hiệu quả công việc. Đúng như ý chí ban đầu của người sáng lập công ty, Công ty Thiện Mỹ đang dần dần hướng đến sự hoàn thiện trên tất cả mọi lĩnh vực từ sản xuất cho đến quản lý. Số khách hàng công ty của giai đoạn này đã vượt qua con số 30.

    Sang năm 2008, nhận thấy doanh số đang bắt đầu tăng trưởng chậm lại do các vệ tinh sản xuất linh kiện cơ khí của các công ty như Honda, Yamaha đang chuyển ra miền Bắc để tiết giảm chi phí, Thiện Mỹ buộc phải đề ra chiến lược kinh doanh cho giai đoạn mới. Quyết tâm không đánh mất một khách hàng nào, chúng tôi xem xét cơ hội đầu tư ra Bắc trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa. Có thể nói đây cũng là một trong những quyết định sống còn của công ty tương tự thời điểm di dời vào Khu công nghiệp Hố Nai hồi 4 năm trước. Lần này chúng tôi lại đứng trước một vấn đề hết sức nan giải: mặc dù công nghệ xi mạ và tiềm lực tài chánh đã có, đất Bắc là một vùng đất hoàn toàn xa lạ mà không ai ở công ty đã từng có kinh nghiệm làm việc trước đây. Không có họ hàng thân thích để quản lý, thời tiết khắc nghiệt, cộng với văn hóa vùng miền khác biệt là những lý do chính khiến các công ty miền Nam hết sức ngần ngại khi đầu tư ra Bắc. Thế nhưng với quan niệm rằng: “nếu các công ty nước ngoài đã vào Việt Nam đầu tư được thì tại sao chúng ta lại không?”, Thiện Mỹ lại một lần nữa chấp nhận rủi ro và bước ra khỏi “vùng an toàn” để tìm kiếm cơ hội phát triển. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự bành trướng của công ty ở tầm quốc gia.

    Thời kỳ qua ảnh

    Portrait
    Những chuyện chưa kể về Công ty Thiện Mỹ thông qua tiểu sử của Giám đốc sáng lập Nguyễn Duy Nguyên
  • MỘT CÔNG TY XI MẠ CẤP QUỐC GIA

    Tóm tắt thời kỳNăm 2009, Công ty TNHH MTV Thiện Mỹ Vĩnh Phúc (TMVP) được thành lập với 100% vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH Công Nghiệp Thiện Mỹ, đánh dấu sự hiện diện của tổng công ty ở cả hai miền Nam Bắc. Bước đi chiến lược này không những giúp Thiện Mỹ giữ chân được các khách hàng quan trọng mà còn giúp công ty duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 30%. Thiện Mỹ tiếp tục mở rộng mạng lưới khách hàng công ty lên con số 50, nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng lên ISO 9001:2008, đầu tư thêm 4 hệ thống xi mạ tự động, kiện toàn hệ thống quản lý nhân sự và củng cố hình ảnh thương hiệu. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tên tuổi lớn như Honda, Yamaha, Toyota, SYM, Piaggio, Suzuki, Sony, LG trong danh sách khách hàng là minh chứng cho hướng đi đúng đắn và nền tảng kinh doanh vững chắc của công ty.

    —————   ***–   —————

    Ngày 12 tháng 6 năm 2009, nhà máy của Công ty TNHH MTV Thiện Mỹ Vĩnh Phúc chính thức khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Khai Quang thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Xưởng 1 của nhà máy có tổng diện tích 3,300 m2 trên một khu đất 9,000 m2 của khu công nghiệp và đi vào hoạt động ngay cuối năm đó. Mỗi lần đầu tư xây mới, quy mô xây dựng và chất lượng công trình lại được nâng cao hơn trước. Khẩu độ Xưởng 1 TMĐN chỉ đạt 30 m trong khi khẩu độ Xưởng 1 TMVP là 36 m, đủ sức chứa nhiều dây chuyền xi mạ lớn hơn. Công suất thiết kế của hệ thống mạ nhựa đầu tiên tại TMVP là 672,000 dm2 / tháng và được lập trình PLC tự động, hơn hẳn các dây chuyền trước đây của TMĐN. So với 6 năm về trước, khoảng cách địa lý giữa Thiện Mỹ và các khách hàng kỳ cựu như Honda, Yamaha, Toyota đã được rút ngắn đáng kể từ 1,550 km xuống còn trên dưới 10 km. Những kinh nghiệm về quản lý kỹ thuật và con người của TMĐN cũng nhanh chóng được áp dụng cho TMVP khiến cho chỉ sau chưa đầy 2 năm, doanh số TMVP đã bắt kịp TMĐN và còn vượt xa hơn thế. Năm 2013, tổng công ty Thiện Mỹ đạt mốc 75 tỷ đồng trên doanh số.

    Sự ra đời của TMVP ghi dấu sự tái xuất hiện của mạ nhựa là một trong những công nghệ chủ lực của công ty. Nếu như lúc sinh thời Thiện Mỹ ra đời nhờ các sản phẩm mạ nhựa cho phụ tùng tân trang ngoài Chợ Lớn thì trải qua gần 10 năm thăng trầm, công nghệ này tưởng chừng như đã bị bỏ quên bên cạnh công nghệ mạ kẽm và nickel chrome vốn đang thịnh hành lúc bấy giờ. Tuy nhiên đến năm 2008, nhu cầu của các sản phẩm mạ nickel chrome trên sắt thép đã giảm đáng kể do sự phức tạp của khâu đánh bóng trong khi chi phí nhân công thì ngày càng gia tăng. Ngay chính các hãng xe lớn như Honda, Yamaha cũng đang dần dần loại bỏ những chi tiết phải mạ nickel chrome và chuyển sang mạ nhựa nếu có thể được để tiết giảm chi phí. Chính điều này đã làm hồi sinh mong muốn theo đuổi công nghệ mạ nhựa của Thiện Mỹ. Tuy nhiên công nghệ mạ nhựa mà Thiện Mỹ áp dụng hiện nay là công nghệ mạ điện trực tiếp với các tính năng ưu việt hơn hẳn công nghệ mạ nhựa bằng bạc của 20 năm về trước. Nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật từ một công ty cung cấp hóa chất danh tiếng của Đức, Thiện Mỹ giờ đây đã có được những công nghệ mạ và phương pháp giám định tối tân nhất thế giới nếu như có nhu cầu. Đây đánh dấu một bước tiến quan trọng nữa của Thiện Mỹ từ việc tự mày mò pha chế dung dịch sang chuyển giao và ứng dụng trực tiếp công nghệ. Đến cuối thời kỳ này, công ty dần dần loại bỏ những lĩnh vực không đem lại hiệu quả cao như mạ nickel chrome trên sắt thép, mạ nickel hóa học và nickel trên nền kẽm đúc và chỉ tập trung chuyên môn hóa trên 2 lĩnh vực chính là mạ nhựa và mạ kẽm.

    Thời gian đầu khi TMVP đang tìm chỗ đứng trong thị trường xi mạ miền Bắc, TMĐN tiếp tục gánh vác trọng trách là đầu tàu kéo công ty tiến về phía trước và là mô hình kiểu mẫu để TMVP áp dụng theo. Nhờ được nguồn hàng dồi dào mà tất cả mọi lợi nhuận tích lũy được từ kinh doanh đều được bơm ra để nuôi TMVP còn đang chập chững tập đi trên đôi chân của chính mình. Một trong những tiến bộ quan trọng của TMĐN trong thời kỳ này đó là việc tổ chức và áp dụng 5S trong toàn nhà xưởng. Giữa năm 2010, Cơ quan Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản, gọi tắt là JICA, có cử người đến xưởng TMĐN hàng tháng để hướng dẫn cách thức sắp xếp và duy trì nhà máy theo nguyên tắc 5S và đợt tập huấn kéo dài trong vòng 16 tháng. Sau đợt tập huấn này, TMĐN được JICA đánh giá khá cao và là một trong 10 doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc được JICA cử đi học tại Nhật với toàn bộ chi phí được JICA đài thọ. Lúc đó Phó giám đốc quản lý của TMĐN đã đại diện Công ty Thiện Mỹ tham dự chuyến tập huấn 2 tuần này. Chuyến đi tiếp tục bồi dưỡng thêm cho Thiện Mỹ nhiều kinh nghiệm thực tế để ngày một chuyên nghiệp hóa đường lối quản lý của công ty. Đến năm 2013, cả hai nhà máy TMĐN và TMVP đã hoàn tất nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng lên tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và hướng đến đạt chứng chỉ ISO 14000 về bảo vệ môi trường trong năm 2014.

    Về phương diện quản lý và kinh doanh, thời kỳ này cũng chứng kiến sự trưởng thành của Thiện Mỹ là một công ty công nghiệp cấp quốc gia. Do khoảng cách xa xôi về địa lý và sự mở rộng của bộ máy hành chánh, công ty buộc phải thiết lập các quy chế kiểm soát từ xa để điều hành công việc hằng ngày ở cả hai miền một cách có hiệu quả. Tiêu biểu nhất trong số đó là sự ra đời của Bộ Quy Chế Công ty ban hành năm 2010 với các quy định rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm của nhân viên, cấu trúc thang lương, nguyên tắc khen thưởng, tiến trình cấp duyệt kinh phí, v.v. Chính nhờ thiết lập bộ quy chế này mà các phòng ban ở TMĐN và TMVP đã có thể phối hợp một cách nhịp nhàng với nhau. Từ năm 2008, công ty liên tục giữ mức lương tối thiểu cao hơn mức quy định của nhà nước và tăng lương cho tất cả cán bộ công nhân viên đều đặn 20% mỗi năm. Ngoài ra công ty còn thỉnh thoảng tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí như thi đấu bóng chuyền, giao lưu giữa các công ty thành viên để nâng cao tinh thần đồng đội và sự hiểu biết lẫn nhau.

    Trước tất cả những thành tựu vừa đạt được, việc củng cố giá trị và đổi mới hình ảnh thương hiệu là điều hết sức cần thiết. Bắt đầu từ giữa năm 2013, công ty đã thông qua hàng loạt chính sách nhằm củng cố hình ảnh thương hiệu như thống nhất lại mẫu đồng phục cho cán bộ công nhân viên, ban hành thẻ đeo, mẫu danh thiếp, tài liệu quảng cáo, v.v. Việc nâng cấp lại website và xuất bản bộ Profile 15 Năm Thành lập Công ty vào năm 2014 là đỉnh cao của chiến dịch này. Ngoài ra cứ đến tháng 10 mỗi năm, Công ty Thiện Mỹ lại xuất hiện tại cuộc Triển Lãm Các Ngành Công Nghiệp Phụ Trợ do Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp đồng tổ chức. Đây sẽ là cơ hội quý giá để các đối tác có nhu cầu về xi mạ được quan sát tận mắt những sản phẩm xi mạ và đặt câu hỏi trực tiếp với các chuyên viên kỹ thuật của Thiện Mỹ. Chúng tôi rất hân hạnh được giới thiệu những sản phẩm xi mạ bậc nhất của công ty tại cuộc triển lãm này.

    Thời kỳ qua ảnh

    Portrait
    Những chuyện chưa kể về Công ty Thiện Mỹ thông qua tiểu sử của Giám đốc sáng lập Nguyễn Duy Nguyên
  • NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

    —————   ***–   —————

    Chiến lược phát triển công ty trong 5 năm tới

     

    • Tập trung chuyên môn hóa trên 2 lĩnh vực: mạ trực tiếp trên nhựa và mạ kẽm để quản lý tốt hơn quy trình và giảm tỷ lệ NG xuống mức thấp nhất. Tuyệt đối không đầu tư vào những lĩnh vực không thuộc thế mạnh của công ty.
    • Trung thành với tiêu chí “Nỗ lực vươn tới hoàn thiện” – Không ngừng tìm kiếm và tiếp thu công nghệ mới trong khi cải tiến và hoàn thiện công nghệ cũ để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
    • Nâng cao năng suất lao động và giảm thiểu chi phí bằng cách đơn giản hóa và thông suốt các quy trình làm việc để làm được nhiều việc hơn với ít thời gian và công sức hơn. Triệt để thực hành tiết kiệm, chỉ chi tiêu khi thật cần thiết!
    • Phát hiện, loại bỏ, và giáo dục nhân viên cách ngăn ngừa những tình huống có thể gây lãng phí thời gian, tiền bạc, nhân lực, và vật lực của công ty. Nâng cao tinh thần trách nhiệm và sở hữu tập thể của tất cả cán bộ, công nhân viên.
    • Tiếp tục giữ mức tăng lương trung bình hàng năm từ 15 – 20%. Sắp xếp lao động tăng ca không quá 4 giờ mỗi ngày và hạn chế tăng ca ngày Chủ Nhật hoặc các ngày lễ để đảm bảo người lao động có đủ thời gian nghỉ ngơi lại sức.
    • Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và từng bước điện tử hóa tất cả hồ sơ và dữ liệu của công ty. Tận dụng những tiện ích của công nghệ thông tin để hỗ trợ việc quyết định chiến lược kinh doanh và quản lý nội bộ từ xa.
    • Chú trọng đến việc xây dựng và phát huy hình ảnh thương hiệu. Lắng nghe ý kiến đóng góp phê bình của khách hàng và nhà cung ứng dựa trên tinh thần xây dựng và tôn trọng lẫn nhau.
    • Không ngừng tìm kiếm, huấn luyện, và thử thách đội ngũ kỹ sư trẻ có tài năng và nhiệt huyết để trở thành trụ cột của công ty về sau. Tôn trọng sự khác biệt và phát huy tối đa tiềm năng của mỗi cá nhân.
    • Xây dựng bản sắc văn hóa Công ty Thiện Mỹ dựa trên 3 trụ cột: thân thiện như một gia đình, kỷ luật như một quan đội, và sẵn sàng nói “vâng” trước những thử thách hay ý tưởng mới.
    • Tuyệt đối tuân thủ những quy định của pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường và đảm bảo quyền lợi của người lao động. Tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của cả quốc gia.